Phương thức marketing (tiếng Anh: Marketing Method) theo đoạn thị trường mục tiêu là doanh nghiệp xây dựng và thực hiện một chiến lược marketing với những biện pháp nhất định theo đoạn thị trường mục tiêu đã chọn.
Phương thức marketing (Marketing Method)
Phương thức marketing trong tiếng Anh là Marketing Method.
Phương thức marketing theo đoạn thị trường mục tiêu là doanh nghiệp xây dựng và thực hiện một chiến lược marketing với những biện pháp nhất định theo đoạn thị trường mục tiêu đã chọn.
Một số phương thức marketing theo đoạn thị trường mục tiêu
Phương thức marketing không phân biệt
– Doanh nghiệp xây dựng và thực hiện một chiến lược marketing chung với những biện pháp giống nhau trên toàn bộ thị trường.
– Cung cấp cho thị trường một sản phẩm đồng nhất với các hoạt động marketing giống nhau như bán sản phẩm với cùng một mức giá, cùng hình thức quảng cáo rộng khắp, cùng phương thức khuyến mại…
Nội dung của chiến lược khai thác những đặc điểm chung, đồng nhất của thị trường nhằm thu hút số lượng khách hàng. Sản phẩm được sản xuất và bán ra thị trường với tiêu chuẩn thống nhất và khối lượng lớn nên đạt hiệu quả kinh tế.
– Ưu điểm: Đạt hiệu quả kinh tế theo qui mô, chi phí sản xuất thấp, các chi phí marketing khác cũng tiết kiệm được nên có giá thấp, chiến lược này cũng đơn giản dễ quản lí.
– Hạn chế: Khai thác thị trường kém hiệu quả do có nhiều người tiêu dùng có nhu cầu khác biệt đã không chấp nhận mua sản phẩm đại trà này. Mức độ cạnh tranh trên thị trường trở nên gay gắt khi các công ty đều phát triển các chiến lược không phân biệt. Công ty cũng dễ gặp rủi do khi hoàn cảnh thị trường thay đổi.
Phương thức marketing phân biệt
– Doanh nghiệp phát triển và thực hiện nhiều chiến lược marketing hỗn hợp nhằm vào nhiều đoạn thị trường khác nhau. Mỗi nhóm khách hàng bây giờ được đáp ứng bằng một chiến lược marketing riêng với sản phẩm khác nhau, phân phối qua những kênh khác nhau, bán với những mức giá khác nhau và với nhiều hình thức xúc tiến hỗn hợp khác nhau.
– Ưu điểm: Đáp ứng được nhu cầu và mong muốn đa dạng của khách hàng nên đạt hiệu quả khai thác thị trường cao, doanh số và lợi nhuận cao. Mức độ rủi do trong kinh doanh được giảm bớt do doanh nghiệp đồng thời khai thác nhiều đoạn thị trường.
– Hạn chế: Chi phí thực hiện chiến lược cao, quản lí phức tạp nếu trình độ quản lí kém dễ gây nên xung đột nội bộ giữa các chiến lược marketing của doanh nghiệp. Khi áp dụng chiến lược này doanh nghiệp phải chọn số đoạn thị trường thích hợp để khai thác.
Doanh nghiệp có thể đưa ra chào bán sản phẩm/dịch vụ linh hoạt gồm 2 phần: Các yếu tố của sản phẩm/dịch vụ có giá trị đối với tất cả các khách hàng của các đoạn thị trường và các yếu tố mang lại giá trị riêng biệt cho từng đoạn thị trường.
Phương thức marketing tập trung
– Doanh nghiệp tập trung tất cả nguồn lực của mình để phát triển một chiến lược marketing nhằm khai thác một đoạn thị trường mục tiêu duy nhất đã chọn.
– Ưu điểm: Doanh nghiệp đạt được lợi thế cạnh tranh và vì vậy, trở thành người độc quyền khai thác đoạn thị trường đó. Doanh nghiệp cũng đạt được lợi thế về chuyên môn hóa sản xuất, phân phối và hoạt động marketing khác. Hiệu quả khai thác đoạn thị trường cao với tỉ suất lợi nhuận lớn.
– Hạn chế: Rủi ro cao vì công đầu tư tập trung vào một đoạn thị trường, nếu nhu cầu của đoạn thị trường thay đổi công ty sẽ khó có thể đối phó.
Marketing nhằm vào các thị trường ngách (đoạn thị trường nhỏ)
– Dựa trên sự phân đoạn chi tiết thành các đoạn thị trường nhỏ. Các biện pháp marketing phải thích ứng tối đa với những đặc điểm đặc thù của đoạn thị trường ngách. Một số công ty lớn bây giờ cũng quay lại quan tâm đến khai thác các thị trường ngách, vì tính hiệu quả của chúng.
Marketing theo các khu vực địa lí thị trường
– Do khách hàng ở thu vực thị trường địa lí khác nhau thường có nhu cầu và mong muốn khác nhau nên các doanh nghiệp cần phát triển các chiến lược và biện pháp marketing riêng cho từng khu vực thị trường địa lí.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Quản trị Marketing, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân)